CHỦ ĐỀ: TẾT DÂN TỘC
Ngày thực hiện: 07/01/2025
Người thực hiện: Vũ Thị Thanh Huyền
Các em thân mến!
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân, và là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…
Người Việt Nam chúng ta có phong tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong sự hoà thuận, yêu thương và luôn cầu chúc cho nhau bằng những điều tốt lành, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, tảo mộ, thăm lại ngôi nhà thờ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu, được về với cội nguồn nơi chôn rau cắt rốn. Chính vì thế mà mọi người đều chuẩn bị cho cái Tết của gia đình mình thật đầy đủ về mọi mặt như trang trí nhà cửa, trồng rau, trồng hoa, làm bánh mứt và cùng nấu những món ăn ngon mang hương vị tết…
Hòa chung không khí đón mừng năm mới. Cô xin giới thiệu với các quí thầy cô cùng tất cả các em cuốn sách: “Sự tích Cây Nêu ngày Tết”, Sự tích bánh chưng bánh dày – Truyện cổ tích Việt Nam.
Cuốn thứ nhất “ Sự tích cây nêu ngày Tết”.
Ngày xưa, đất nước bị loài quỷ chiếm đoạt. Người chỉ được ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của quỷ. Người chỉ muốn làm điều gì phải chờ lệnh của quỷ. Có miếng ngon, người phải biếu quỷ trước… Cuối cùng, nhờ có sự mách bảo của phật, người đã đuổi được lũ quỷ và từ đó người được yên ổn làm ăn. Nhưng mỗi năm vào dịp tết lũ quỷ đều đến quấy phá. Để ngăn không cho lũ quỷ đến, người đã trồng cây nêu trước nhà vào những ngày tết hàng năm.
Câu chuyện là sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc về cây nêu, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Qua cuốn sách, thầy cô và các em học sinh sẽ rút ra được nhiều bài học ý nghĩa. Trồng cây nêu trước nhà vào mỗi dịp Tết là một phong tục lâu đời của người dân Việt. Vì sao lại có phong tục này? Hãy tìm đọc “Sự tích Cây Nêu ngày Tết” để biết câu chuyện dẫn đến phong tục độc đáo ngày Tết này ở nước ta.
Cuốn thứ hai “ Sự tích bánh chưng bánh dày”.
Không biết từ bao giờ, bánh chưng, bánh giầy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi Tết đến, thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của người xưa. Bánh chưng, bánh dày là hình ảnh của quê hương với mầu xanh ruộng đồng, sông núi, được làm ra từ những hạt “ngọc thực” quý nhất của thiên nhiên, sinh sôi nảy nở trên những triền đất phù sa đồng bằng dưới sức lao động của con người. Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị không những ẩn chứa các giá trị văn hóa và tâm linh mà còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Bánh chưng, bánh dày được chế biến từ lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hai sản vật này gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của chàng hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước.
Truyện kể ràng: ngày xưa ở nước ta, trong số các con của Vua Hùng Vương thứ 6 có một hoàng tử tên là Lang Liêu. Các hoàng tử khác đều văn hay võ giỏi, nhưng đều không thích lao động chân tay, chỉ riêng có hoàng tử Lang Liêu là chăm chỉ và yêu thích trồng trọt. Chàng thường cùng vợ con về quê hương vỡ ruộng, cuốc bãi, cùng bà con nông dân trồng lúa gạo, hoa màu. Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua phán truyền “ Đến ngày hội lớn đầu năm, ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng trời đất sẽ được ta truyền ngôi cho”.
Vào ngày hội lớn đầu năm, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Các hoàng tử mang của ngon vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh. Nhà Vua bèn chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh dày. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh dày trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên. Các cuốn sách trên hiện có tại Thư viện trường. Kính mời các thầy cô và các bạn đến thư viện tìm đọc. Chúc các thầy cô và các bạn có một tuần học mới thật ý nghĩa và hiệu quả.
Chân thành cảm ơn các thầy cô và các em đã lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau.